000223 - Môn Tập làm văn - Lớp 5
Nguyễn Hải Nam - 23/08/2021 07:03:53
Đề bài:Vừa qua trường em tổ chức một đợt quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Em hãy tả lại buổi quyên góp đó.
Bài làm
Trong những năm gần đây, phong trào từ thiện được nhân lên rộng rãi trên khắp đất nước Việt Nam ta và đã góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt nỗi khổ của những người nghèo khó, bất hạnh trong xã hội. Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, thấm nhuần tinh thần ấy, học sinh chúng tôi đã có những hoạt động từ thiện phù hợp với khả năng và lứa tuổi của mình. Đầu tuần qua, trường tôi đã tổ chức một buổi ngoại khóa, với hoạt động quyên góp giúp đỡ các bạn học sinh và đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung ruột thịt.
Trước đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các thầy cô giáo viên chủ nhiệm các lớp phát đi thông điệp về đợt quyên góp, giúp đỡ ủng hộ đồng bào miền Trung tới toàn thể học sinh. Giờ sinh hoạt lớp hôm đó, cô chủ nhiệm lớp tôi đã nhắc nhở, động viên chúng tôi tích cực tham gia phong trào này. Chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe cô nói về cuộc sống thiếu thốn,vất vả, khổ cực của đồng bào vùng lũ lụt miền Trung. Những cánh đồng lúa vàng xuộm đang chuẩn bị bước vào vụ gặt giờ đã bị ngâm dưới nước sâu; Những ngôi nhà, mái trường bị đổ nát, cuốn trôi theo dòng lũ; Hàng trăm ngàn người không có chốn nương thân phải sống qua ngày trên các mái nhà hoặc những chiếc thuyền mỏng manh tròng trành trên dòng nước lũ đỏ ngầu; Từng đàn gia súc gia cầm lúc nổi lúc chìm cuốn theo dòng nước; Các bạn học sinh không có nơi để học tập; Nhiều gia đình đã mất đi người thân. Rồi đói rét, bệnh tật… trăm ngàn nỗi khổ do thiên tai gây ra mà con người nơi mảnh đất miền Trung thân yêu phải gánh chịu... Cứ thế, cô kể cho chúng tôi nghe, giọng cô trầm ấm, truyền cảm, rồi cô bỗng cất tiếng hát một đoạn, cô hát rất hay, bài " Quê em mùa nước lũ":
"Không còn con sông, nước dâng tràn lên bãi bờ
Anh về quê em, khắp nơi như là biển khơi
Chập chờn mái tranh, ngoi lên giữa ngọn triều dâng
Những đàn gà con, bơ vơ đứng nhìn trời xanh
Bao ngày trôi qua, lũ cao dần thêm nữa rồi
Không còn nhận ra, tiếng ai đi tìm người trôi
Mẹ ngồi dưới mưa, tay ôm ấp trẻ lạnh căm
Xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này..."
Cả lớp lặng im, xúc động. Trước mặt chúng tôi như đang hiện ra những cảnh tang tóc, đau thương do cơn lũ gây ra cho đồng bào mình, giọng cô hát như nghẹn lại, nghe đến đây, tôi bỗng thấy mình đắng trong cổ họng, nhìn sang các bạn thấy ai cũng rưng rưng khóe mắt cay giống như tôi. Sau đó cô đi xuống cuối lớp, cô mở tủ sách của lớp, lấy ra một chú lợn đất và ân cần nói với chúng tôi: "Các em ạ, lớp chúng mình sẽ nuôi lợn tăng trọng, các em hãy về thưa với bố mẹ, cho phép các em dùng tiền tiết kiệm của mình để nuôi chú lợn này để ủng hộ đồng bào miền Trung, bạn nào có nhiều thì cho lợn ăn nhiều, bạn nào có ít thì cho ăn ít, tùy vào hoàn cảnh của mình, bạn nào khó khăn không có tiền tiết kiệm thì có thể ủng hộ bằng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cũng được". Cả lớp chúng tôi tất cả đều giơ tay hô vang: "Chúng em đồng ý ạ!"
Nghe lời cô, chúng tôi ai cũng háo hức, nhanh chóng về nhà xin bố mẹ các món đồ và tiền tiết kiệm từ những bữa ăn sáng lâu nay để ủng hộ đồng bào. Bố mẹ thấy tôi háo hức kể về đợt phát động này của nhà trường thì mỉm cười nhìn tôi trìu mến. Bố xoa đầu tôi bảo: " Bố nghĩ, việc này rất nên làm, các con sẽ gửi một phần nhỏ tình cảm của mình để ủng hộ đến các bạn học sinh ở miềm Trung và đồng bào ta ở đó. Đây là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta đó, con à!".
Sáng thứ hai đầu tuần đó, đến lớp bạn nào cũng hồ hởi, lệ khệ mang những bộ quần áo, đồ dùng học tập, sách vở…, Rồi từng bạn một, lên bàn nơi để chú lợn tăng trọng, dùng những đồng tiền tiết kiệm của mình cho lợn "ăn"; Rồi các bạn nữ thì ngồi bọc quà, các bạn nam thì mang vác các bọc quà xuống dưới sân trường để chuẩn bị tập trung toàn trường. Một hồi trống trường vang lên, cả trường tập trung dưới cờ tổ chức sinh hoạt đội để các lớp đập lợn bỏ vào thùng quyên góp. Ba mươi chú lợn của các lớp trong trường được để ngay ngắn trên bàn, chờ hiệu lệnh của cô Tổng phụ trách Đội. Chúng tôi ai cũng hồi hộp, không biết lợn của lớp nào "nặng ký nhất", tức quyên góp được nhiều tiền nhất. Các bạn lớp trưởng được phân công trên tay cầm một cây búa mang ra để đập lợn. Cô Tổng phụ trách hô hiệu lệnh, các bạn lớp trưởng nhanh tay giáng xuống: “choang!”, những âm thanh khô giòn, vui tai của tiếng vỡ từ các mảng gốm đất vang lên, cùng tiếng hò reo cổ vũ nồng nhiệt của toàn trường. Thật vinh dự, lớp 5A của chúng tôi được giải nhất về nuôi lợn tăng trọng, lớp 4C quyên góp được nhiều gói quà nhất. Chúng tôi vui mừng hớn hở ôm choàng lấy nhau, tạo thành một vòng tròn, vừa nhảy lò cò vừa hát đội ca vang lừng.
Cuối buổi ngoại khóa, Cô Hiệu trưởng của chúng tôi lên tổng kết, cô rất vui mừng và xúc động vì buổi quyên góp của toàn trường diễn ra trong không khí chan hòa, nồng ấm và đạt kết quả tốt đẹp. Giọng cô trầm và ấm, cô nói: " Kính thưa các thầy cô giáo, thưa toàn thể các em học sinh thân mến! Thông qua buổi hoạt động ngoại khóa, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung hôm nay, nhà trường đã giáo dục cho các em về truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp, về tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc ta. Tất cả chúng ta có mặt ở đây, đều mong muốn chia sẻ những khó khăn và góp một phần nhỏ để giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bởi lũ lụt gây ra, giúp đồng bào sớm ổn định cuộc sống, giúp các bạn học sinh có thêm điều kiện để sinh hoạt, học tập, sớm được đến trường. Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, cô xin biểu dương tinh thần nhiệt tình và tình cảm thân thương của tất cả các em hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt! ". Tất cả lũ học sinh chúng tôi đứng im lặng phía dưới, ai nấy đều rưng rưng xúc động vì đã làm được một việc làm hết sức ý nghĩa, đây là một trải nghiệm rất đáng nhớ đối với chúng tôi, vì đã góp được một phần nhỏ bé của mình giúp ích cho đồng bào miền Trung thân yêu. Tôi nhìn ra cổng trường, nơi những chiếc xe tải lớn cũng đang chở hàng ủng hộ của bà con nhân dân lên Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, lòng bồi hồi xúc động, khẽ ngâm nga một đoạn trong câu ca dao: " Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!"...
Buổi ngoại khóa quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung hôm nay với tôi thật ý nghĩa. Trước đây, thầy cô, cha mẹ cũng đã dạy tôi rằng: Chúng ta là người Việt Nam, cùng một mẹ Âu Cơ, mang chung một dòng máu Tiên Rồng, nên dù ở bất cứ nơi đâu, miền ngược hay miền xuôi, miền Trung hay Nam, Bắc, đồng bằng hay rừng núi, hải đảo, thì cũng đều là ruột thịt, là anh em một nhà.Vì vậy, chúng ta không ai sống lẻ loi, mà cần có sự giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi hoạn nạn khó khăn “Lá lành đùm lá rách” - đó là tình người. Những lúc đồng bào ta gặp thiên tai, lũ lụt, “Miếng khi đói bằng gói khi no”, nên kẻ giàu, người nghèo quyên góp lại để tiếp ứng cho những nạn nhân không may mắn, chia sẻ phần nào những mất mát đau thương của họ. Đó chính là truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta. Mặt khác, từ những đợt thiên tai, động đất, lũ lụt... liên tiếp sảy ra trên đất nước chúng ta nói riêng và trên trái đất nói chung, tôi nhận ra một bài học rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta phải chung tay bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ bản thân mình. Nếu không, Trái đất và con người trên đó sẽ phải gánh chịu những hậu quả cực kì nghiêm trọng./.
Đang online: 207
Số lượng thành viên: 14,982
000220 - Môn Tập làm văn - Lớp 5 - 0 câu trả lời
Phạm Khương Vy - 22/08/2021 20:00:29
000219 - Môn Tập làm văn - Lớp 5 - 0 câu trả lời
Nguyễn Thiên Ân - 22/08/2021 15:42:35
000218 - Môn Tập làm văn - Lớp 5 - 0 câu trả lời
Nguyễn Thiên Ân - 22/08/2021 15:42:11