000155 - Môn Tập làm văn - Lớp 5

Nguyễn Hải Nam - 13/08/2021 18:03:08

Đề bài: Em hãy tả lại một tiết học môn Lịch sử mà em yêu thích nhất.

Bài Làm:

Sau giờ ra chơi vui vẻ, chúng tôi lại vào lớp tiếp tục học bài. Cả lớp vừa ổn định chỗ ngồi thì cô giáo cũng vào đến cửa, cô ân cần mỉm cười gật đầu chào chúng tôi và nói: “Hôm nay lớp chúng mình cùng cô học một tiết học lịch sử nhé”! Cả lớp đồng thanh “Vâng ạ”! Trong các môn học, môn Lịch sử là một trong những môn mà tôi yêu thích nhất, các tiết học lịch sử luôn cuốn hút tôi từ đầu đến cuối.

Từ trên bục giảng, giọng cô Hài (tên cô giáo dạy môn lịch sử của chúng tôi) đầm ấm vang lên: “ Trước khi vào bài mới, chúng ta cùng nhau ôn lại bài cũ một chút các em nhé. Em nào cho cô biết tiết trước chúng ta đã được học bài gì”? Rất nhiều cánh tay giơ lên, cô mời một bạn ngay phía sau tôi, Bảo Anh đứng dậy, lễ phép trả lời: “ Em thưa cô, tiết trước chúng ta đã học bài Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40) ạ! Cô mỉm cười khen bạn Bảo Anh trả lời đúng. Sau đó, cô dẫn dắt chúng tôi ôn lại bài cũ, cô rất vui vì lớp chúng tôi ai cũng thuộc bài cũ và hăng hái phát biểu.

Sau phần kiểm tra bài cũ rất sôi nổi của cả lớp, cô giơ lên một bức tranh khổ rộng bằng bốn quyển vở cho cả lớp xem, và hỏi: Bạn nào biết bức tranh vẽ gì? Tôi xung phong phát biểu trả lời cô: “ Thưa cô, em thấy nội dung bức tranh vẽ về một trận đánh ở trên sông ạ”! Cô gật đầu khen tôi và giới thiệu: “ Các em ạ, cảnh trong tranh mô tả một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta hơn một nghìn năm trước. Đây là trận đánh nào?, Xảy ra ở đâu? Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của nó như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài học hôm nay, đó là bài: Chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo(năm 938), các em nhé”!

Sau đó, vào phần thứ nhất, cô dẫn dắt chúng tôi cùng tìm hiểu đôi nét về Ngô Quyền, cô yêu cầu chúng tôi đọc thầm trong sách giáo khoa đoạn từ  “ Ngô Quyền…đến… gả con gái cho”.

Sau đoạn đọc hiểu, cô phát phiếu học tập cho cả lớp và yêu cầu các bạn trả lời các câu hỏi có sẵn trong phiếu: Ngô Quyền là người ở đâu? Ông là người như thế nào? Ông là con rể của ai? Chúng tôi chăm chú làm bài, sau đoạn này tôi và các bạn đã biết rằng Ngô Quyền là một người con của Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ông là một người có tài và yêu nước, và là con rể của Dương Đình Nghệ, giúp Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán năm 931.

Sang phần thứ hai, cô giảng giải cho chúng tôi biết, nguyên nhân vì sao có trận đánh trên sông Bạch Đằng. Đó là do tên phản bội Kiều Công Tiễn âm mưu giết chết Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ, nên Ngô Quyền đem quân tới báo thù, Kiều Công Tiễn sợ quá cho người cầu cứu nhà Nam Hán. Nhân cơ hội đó, nhà Nam Hán đem quân xâm chiếm nước ta.

Phần thứ ba, cô phân tích cho cả lớp về diễn biến và kết quả của trận đánh trên sông Bạch Đằng. Chúng tôi lại hiểu rõ, nhà Nam Hán mượn cớ đem quân xâm chiếm nước ta. Cuối năm 938, chúng phái Thái tử Hoàng Tháo chỉ huy các chiến thuyền tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Ngô Quyền nhờ tài mưu lược đã cho quân ta đóng các bãi cọc gỗ, đầu bịt sắt nhọn dưới lòng sông chờ sẵn, khi thủy triều lên, bãi cọc ngập hết, Ngô Quyền cho quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui nhử giặc vào bãi cọc. Thủy triều xuống, cọc gỗ nhô lên, quân ta mai phục đổ ra đánh quyết liệt, thuyền địch bị chọc thủng, quân địch tê liệt, chết quá nửa, tướng giặc Hoằng Tháo bị tử trận. Kết quả quân ta giành thắng lợi, quân Nam Hán thất bại hoàn toàn.

Tiếp theo buổi học, sau khi cho các bạn đọc hết đoạn bài trong sách giáo khoa, cô đặt câu hỏi cho cả lớp: Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền đã làm gì? Ý nghĩa của trận Bạch Đằng như thế nào? Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân ta đã làm gì? Cả lớp lại hăng hái tham gia ý kiến, cuối cùng cô tổng hợp lại ý kiến các bạn và bổ sung thêm, mọi người cùng hiểu được: Trận đánh trên sông Bạch Đằng là một trận đánh quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nó đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của nước ta, nối lại quốc thống cho dân tộc Việt. Sau chiến thắng này, mùa xuân năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, chọn Cổ Loa làm Kinh đô, tái lập đất nước. Ông được xem là một vị "vua của các vua" trong lịch sử Việt Nam. Đại thắng trên sông Bạch Đằng đã khắc họa mưu lược và khả năng đánh trận của ông. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân ta đã xây dựng lăng mộ ông ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội ngày nay.

Cuối buổi học, cô còn cho cả lớp xem các bức ảnh về di tích lịch sử Bạch Đằng Giang và ảnh các bãi cọc cổ xưa tại huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng. Cả hai di tích này tôi cũng đã được bố mẹ cho đến đây tham quan rồi, nhưng hôm nay, sau khi học hết bài học này, tôi mới hiểu rõ về ý nghĩa lịch sử của các di tích ấy.

Các tiết học lịch sử luôn cuốn hút tôi, đem lại cho tôi sự hứng thú. Qua các bài học, giúp tôi hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, tự hào về các trận đánh, các vị anh hùng dân tộc. Tôi nguyện hứa sẽ học hành chăm chỉ để xứng đáng với công ơn của lớp cha ông đi trước, sau này là người có ích cho xã hội.

Thống kê truy cập

Đang online: 116

Số lượng thành viên: 13,747